Chế độ dinh dưỡng cho người già ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe. Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp người cao tuổi tránh được nhiều bệnh tật và khỏe mạnh hơn. Do vậy, khi bước sang tuổi 50, người cao tuổi cần có chế độ ăn uống hợp lý.
Nội dung
Chế độ dinh dưỡng cho người già cần chú ý gì?
Nên chọn những thực phẩm dễ hấp thụ, dễ tiêu hóa, đảm bảo đủ chất đạm nhưng không quá nặng nề đối với đường tiêu hóa. Nên trong khẩu phần ăn của người già nên giảm ăn thịt, tăng cường các loại cá chế biến theo phương pháp hấp, luộc hạn chế chiên, xào nhằm đảm bảo hàm lượng vitamin và khoáng chất, giảm chất béo hơn thế nữa thức ăn có độ mềm nhất định sẽ giúp người già dễ dàng thưởng thức và hấp thu hơn.
Giảm áp lực cho dạ dày về đêm
Do hệ tiêu hóa kém hơn, quá trình tiêu hóa thức ăn của người già cũng diễn ra chậm hơn nên buổi tối cần ăn ít hơn một chút và ăn sớm, tốt nhất là trước 7h tối và nên có những bữa lót dạ nhẹ nhàng 2 tiếng trước khi đi ngủ bằng một chút sữa nóng sẽ giúp các cụ ngủ ngon hơn.
Hạn chế chất đường, chất béo, ăn mặn và uống rượu bia
Sử dụng nhiều thực phẩm trên khiến người già dễ gặp phải các bệnh về tim mạch, máu nhiễm mỡ, bệnh tiểu đường, cao huyết áp…Vì vậy, người già cần hạn chế các thực phẩm như bánh kẹo, đồ khô mặn, mỡ động vật, không nên uống rượu bia, nước ngọt, trà hoặc cà phê đặc.
Uống sữa để bổ sung dinh dưỡng
Uống 1 -2 ly sữa mỗi ngày là một cách khá hiệu quả để bổ sung những dưỡng chất bị thiếu hụt cho người già.
Tuy nhiên, cũng nên lưu ý việc lựa chọn sữa cho người già sẽ không đơn giản như với trẻ em hay người trưởng thành do các nguy cơ về bệnh béo phì và mỡ máu tăng cao.
Nên chọn những sản phẩm cân bằng và bổ sung dưỡng chất cho người già, có khả năng cung cấp đủ dinh dưỡng thay thế bữa ăn khi khả năng ăn uống bị hạn chế. Chọn các loại sữa có MUFA, PUFA, Choline, Canxi,FOS để tăng cường sức khỏe cho hệ tim mạch, xương chắc khỏe và giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, nên chọn các loại sữa không chứa đường lactose vì ở một số người cơ thể bị thiếu men lactose nên khi uống các loại sữa chứa đường lactose có thể sẽ gây ra đau bụng, tiêu chảy.
Khi chọn sữa cần quan tâm đến cả hương vị, chọn những loại sữa có vị ngọt tự nhiên để người già dễ uống và cảm thấy ngon miệng hơn.
Uống nước, bổ sung hoa quả, vitamin và khoáng chất
Người già thường ít có cảm giác khát nước, nên cần chú ý uống nước đầy đủ, một ngày khoảng 7- 8 ly nước sẽ giúp thận hoạt động tốt hơn và giảm các nguy cơ về táo bón.
Các loại rau củ được xem là “bạn” của người già như: cam, bưởi, dưa hấu, đu đủ… cung cấp nhiều vitamin C và cũng là nguồn cung cấp dồi dào vitamin A giúp tăng sức đề kháng.
Cách nấu cháo dinh dưỡng cho người già trong mùa hè
Vào mùa hè, chế độ dinh dưỡng cho người già nên bổ sung một số loại cháo sau:
Cháo đậu xanh
Đậu xanh xay nhỏ vừa, ngâm trước hai tiếng đồng hồ. Gạo tẻ tùy theo số người ăn, thường là 300 g gạo, 100 g đỗ. Nấu chín thành cháo, cho thêm đường phèn hay đường đỏ. Nếu không muốn ăn đường thì cho gia vị vừa đủ, ăn nguội.
Cháo đỗ xanh rất mát, giải nhiệt về mùa hè, cầm mồ hôi, thanh tân chỉ khát, dễ tiêu hóa, chống táo bón, nhuận tràng, nhất là những trường hợp máu nóng, làm mát ở những người háo nhiệt, phù thũng, ngứa ngáy khắp người, cháo còn có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể khi bị nhiễm chất độc hoặc tăng đào thải các chất độc của cơ thể.
Cháo sắn dây
Lấy 30 g bột sắn dây, 100 g gạo tẻ nấu nhừ thành cháo, ăn khi còn ấm. Tác dụng: Bổ trợ cho sức khỏe, nhất là những người già yếu, huyết áp cao, co thắt mạch vành, đái tháo đường, rối loạn tiêu hóa gây tỳ hư, miệng háo, môi khô, lưỡi đỏ, khát nước nhiều.
Cháo hoài sơn (củ mài)
Tùy theo số người ăn, cứ nửa gạo nửa hoài sơn nấu thành cháo, nêm gia vị vừa đủ, ăn nguội. Tác dụng: Bổ tỳ vị, bổ thận, bổ phế, sinh tân chỉ khát, bình suyễn, sáp tinh. Cháo còn chữa được bệnh tả lỵ lâu ngày, hư lao, tiểu đêm nhiều lần, thận hư yếu.
Cháo thận dê
Lấy một quả thận rửa sạch thái mỏng ướp với rượu trắng, gia vị, gừng sợi trong 20 phút. Gạo kê nấu thành cháo chín cho thận dê vào, ăn nóng. Tùy lượng người ăn cứ 100 g gạo kê, 1 quả thận dê. Tác dụng: Bổ dưỡng, hồi phục tế bào não, tăng cường trí nhớ, bổ thận, chữa đau lưng mỏi gối, ngủ kém hay đi tiểu đêm. Cháo còn có tác dụng chữa bệnh suy sinh dục ở nam giới
Cháo chim sẻ
8-10 con chim sẻ làm sạch lông, bỏ phủ tạng thái nhỏ, 30 g dây tơ hồng, 10 g phúc bồn tử, 20 g kỷ tử. Cho nước vào đun kỹ, lấy nước hầm chim đem nấu cháo, khi chín nhừ cho gia vị, dầu ăn, mấy lát gừng tươi thái sợi. Tác dụng: Bổ can, bổ thận, bổ khí huyết, sinh tinh, chữa đái són, đái dầm, thận hư, đau các khớp.
Cháo trứng gà
Lấy 100 g gạo tẻ nấu cháo, khi chín nhừ đập quả trứng gà vào cháo, lấy cả lòng trắng lòng đỏ (cần chọn trứng gà ta, mới đẻ), cho hành hoa đủ dùng, ăn nóng cho khỏi tanh. Tác dụng: Bổ dưỡng, dễ ăn, thích hợp cho người già sau ốm, cơ thể suy nhược, gầy xanh mệt mỏi, thở yếu, đi lại chậm chạp và phụ nữ sau sinh.
Cháo sữa đậu nành
Lấy 650 ml sữa đậu nành cho gạo tẻ vào nấu (tùy theo khẩu vị thích ăn đặc hay loãng). Khi cháo chín nhừ cho đường đỏ vừa đủ, ăn ấm nóng. Cháo sữa đậu nành là món cháo bồi dưỡng hằng ngày, dễ tiêu hóa, thanh nhiệt giải độc lại mát gan, mát huyết. Cháo dùng được cho mọi lứa tuổi, tốt nhất cho người già vì tiêu hóa kém, hấp thu chậm, miệng nhạt, ăn không thấy ngon, người háo, da khô, mắt mờ, can thận nóng.
Trên đây là những lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho người già, cũng như cách nấu các món cháo dinh dưỡng cho người già trong mùa hè. Mong rằng chia sẻ này giúp ích cho bạn đọc trong việc chăm sóc sức khỏe của những người thân lớn tuổi trong gia đình nhé!